Lưu trữ

Posts Tagged ‘Anh hùng’

“Bão thép” 198

Tháng Năm 25, 2011 Bình luận đã bị tắt


Thượng tá Bùi Hữu Dương, Chính ủy Đơn vị xe tăng H02 (Binh đoàn Quyết Thắng) gọi điện cho tôi, giọng hồ hởi: “Tiểu đoàn 198 vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng”.

Trong phút chốc, câu chuyện về Tiểu đoàn xe tăng 198 – cơn “bão thép” trên chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua lời kể của các cựu chiến binh bỗng ùa về trong tôi.

Cuộc hành quân huyền thoại

Những ai đã từng đọc tiểu thuyết “Cơn lốc đầu mùa” của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt viết về quá trình hình thành, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của Binh chủng Tăng-Thiết giáp, hẳn không thể quên được Tiểu đoàn xe tăng 198.

Ngày 5-8-1967, Bộ tư lệnh Thiết giáp (nay là Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp) được Bộ Quốc phòng thông báo chuẩn bị đưa 2 đại đội xe tăng PT-76 vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Đây là tin vui lớn đối với bộ đội xe tăng. Bởi sau gần 9 năm thành lập, bây giờ mới có thời cơ, điều kiện để bộ đội xe tăng xung trận bằng chính vũ khí, trang bị của mình.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Binh chủng đã khẩn trương tổ chức lực lượng và chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đi chiến đấu. Đảng ủy Binh chủng xác định: “Mặc dù mới chỉ đưa một lực lượng nhỏ đi chiến đấu, nhưng phải kiên quyết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu, vừa để xây dựng truyền thống chiến đấu của Binh chủng, vừa để rút ra những kết luận, kinh nghiệm thực tiễn giúp cho việc xây dựng, huấn luyện Binh chủng trong thời gian tới”. Bộ tư lệnh lựa chọn Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203 để hình thành nên Tiểu đoàn 198. (Tiểu đoàn được thành lập ngày 19-8-1967. Đây là ngày rất ý nghĩa, gắn với ngày kỷ niệm Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945). Đồng chí Hà Tiến Tuân làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Võ Đình Tấn làm chính trị viên. Cả hai đại đội tăng đều là những đơn vị khá toàn diện. Cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện kỹ, có giác ngộ chính trị cao, được huấn luyện rất cơ bản, có hệ thống về kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng bảo quản, sửa chữa xe, pháo. Hai đại đội đã được hợp luyện chiến đấu với bộ binh nhiều lần.

Đoàn cán bộ Tiểu đoàn 198 đi tiền trạm cào chiến trường, chuẩn bị đưa đội hình toàn tiểu đoàn vào chiến đấu năm 1967

Ngày 14-10-1967, Tiểu đoàn 198 xuất phát từ Lương Sơn (Hòa Bình) bí mật hành quân bằng xích vào chiến trường. Cuộc hành quân chủ yếu được thực hiện vào ban đêm. Để giữ bí mật, các xe tuyệt đối không được bật đèn pha mà phải sử dụng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương, các đồng chí trưởng xe phải đi bộ trước mũi xe, khoác vải trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi che bớt bụi lửa phóng ra từ ống xả, khi lá khô phải kịp thời thay cành cây mới. Khi dừng nghỉ nấu ăn, bắt buộc phải đào bếp Hoàng Cầm. Do hành quân đường dài nên bánh đỡ nặng và xích xe bị hư hỏng nhiều. Đơn vị phải khắc phục bằng cách đảo xích bên phải sang trái và ngược lại, lắp xen kẽ mảnh xích lành với mảnh xích hỏng để tiếp tục hành quân… Sau hơn 50 ngày đêm, vượt hơn 1.000km đường qua nhiều địa hình phức tạp, dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, toàn tiểu đoàn đã đến vị trí tập kết với 100% trang bị chiến đấu.

Đây là cuộc hành quân lịch sử bằng xích của xe tăng ta từ hậu phương vào chiến trường, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Binh chủng Tăng-Thiết giáp mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ta đưa được xe tăng vào chiến trường là một bất ngờ lớn đối với bộ máy chiến tranh của chính quyền Mỹ-ngụy thời đó.

Đã ra quân là đánh thắng

Năm 2008, Binh chủng Tăng – Thiết giáp tổ chức hội thảo khoa học “40 năm ra quân đánh thắng trận đầu của bộ đội Tăng – Thiết giáp” nhân kỉ niệm 40 năm chiến thắng Tà Mây-Làng Vây. Tại buổi hội thảo, tôi gặp cựu chiến binh Ngô Xuân Nghiêm, nguyên Đại đội trưởng Đại đội tăng 9 – đơn vị đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu vào cứ điểm Làng Vây, ông xúc động kể lại:  “Thời gian đã lùi xa, nhưng câu chuyện về lái xe Phạm Văn Hương tôi không bao giờ quên được. Hương bị thương ở chân. Vì không có lái xe để thay thế, lại cũng không thể tiếp tục một mình thực hiện nhiệm vụ, kíp xe của Hương đã có sáng kiến: Hương lái, còn pháo thủ thì dùng chân đạp cần lái. Với sáng kiến này chiếc xe tăng mang số hiệu 569 vẫn cùng đồng đội lao về phía trước tiêu diệt quân địch. Hoặc như chuyện chiếc kính ngắm của xe 565 bị hỏng, để hoàn thành nhiệm vụ, bộ đội đã trực tiếp ngắm qua nòng pháo tiêu diệt mục tiêu… Tất cả chứng minh một điều: Tính sáng tạo của bộ đội tăng-thiết giáp được thể hiện ngay trong từng trận chiến đấu”.

Theo dòng hồi ức của cựu chiến binh Ngô Xuân Nghiêm, những kỉ niệm về chiến thắng trận đầu của bộ đội tăng-thiết giáp hiện ra như một cuốn phim.

Sau khi hành quân tới đích, toàn Tiểu đoàn 198 nhanh chóng ổn định vị trí trú quân, chuẩn bị tham gia trận tiến công cứ điểm Làng Vây – điểm cuối trong hệ thống phòng thủ của địch trên tuyến Đường 9, giáp biên giới Việt – Lào. Các xe tăng nằm trong hầm được ngụy trang bằng cách trồng cỏ tranh vào sọt, xếp kín lên trên, hằng ngày tưới nước cho cỏ luôn xanh tươi vì thế máy bay trinh sát và thám báo địch lùng sục nhưng không phát hiện được. Đại đội tăng 9 “nằm” hơn 10 ngày gần cứ điểm Làng Vây, làm tốt công tác chuẩn bị, thậm chí ta tổ chức lái thử xe tăng dưới lòng sông mà địch vẫn không hề hay biết.

Theo kế hoạch, Đại đội Tăng 9 có nhiệm vụ hiệp đồng cùng Tiểu đoàn bộ binh 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 325) cơ động dọc sông Sê-pôn, từ hướng Nam tiến công lên cứ điểm. Đại đội tăng 3 có nhiệm vụ phối thuộc cho Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304) tiến công vào cứ điểm Làng Vây.

Sông Sê-pôn nhỏ hẹp, quanh co, lòng sông đầy đá hộc, bờ sông dốc dựng đứng, địch hoàn toàn không ngờ xe tăng ta có thể vận động theo dòng sông để tập kích vào hướng này. Để chuẩn bị tiến công, từ ngày 19-1, Đại đội tăng 9 đã nhiều lần cùng bộ đội công binh dùng mảng nứa, bí mật thăm dò lòng sông Sê-pôn, xác định đường, bến, phương án lái trên sông và đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể. Các chiến sĩ công binh đã nhiều lần bơi lặn trong dòng nước lạnh buốt để nghiên cứu đo mực nước, đánh dấu các khu vực có đá ngầm và phá những tảng đá to trên quãng sông nước cạn, mở đường cho xe tăng đi bằng xích. Những đoạn sông có nhiều đá ngầm, bộ đội công binh bố trí các chiến sĩ quấn dù trắng trên mình, đứng dọc hai bên làm lộ tiêu dẫn đường cho xe tăng hành tiến.

Đêm 23 rạng ngày 24-1-1968, Đại đội tăng 3 cùng Trung đoàn 24 tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San. Khi bộ binh ta áp sát hàng rào cứ điểm Tà Mây, bị hỏa lực dày đặc của địch chặn lại… xe tăng 558 được lệnh vượt lên dùng hỏa lực trên xe bắn sập lô cốt và diệt các hỏa điểm địch, tạo điều kiện cho xe tăng 555 cùng bộ binh, công binh xung phong đánh thẳng vào bên trong cứ điểm địch. Toàn bộ căn cứ địch chìm ngập trong lửa và khói đạn. Với sự xuất hiện quá bất ngờ của xe tăng ta, địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn, bộ binh ta truy kích, tiêu diệt địch, làm chủ trận địa trong thời gian ngắn.

Đúng 17 giờ ngày 6-2-1968, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. 18 giờ cùng ngày, 2 đại đội xe tăng được lệnh xuất kích. Đại đội tăng 9 vượt cửa mở, vừa dẫn dắt bộ binh xung phong, vừa phát huy sức mạnh hỏa lực pháo, súng máy trên xe tiêu diệt và uy hiếp địch. Lớp rào cuối cùng chưa mở xong, chiếc xe tăng do Đại đội trưởng Ngô Xuân Nghiêm chỉ huy đã lao lên đè bẹp hàng rào, nhanh chóng băng qua, tiêu diệt các mục tiêu ở cửa mở, đồng thời chiếm giữ đầu cầu yểm hộ cho Trung đội tăng 3 cùng bộ binh vượt qua cửa mở. Đại đội trưởng Ngô Xuân Nghiêm lệnh cho xe của Trung đội tăng 3 yểm hộ cho bộ binh tiếp tục xông lên diệt địch; các xe khác phối hợp với bộ binh, đặc công thọc sâu, đánh thẳng vào sở chỉ huy và khu cố vấn Mỹ… Đến 3 giờ sáng ngày 7-2-1968, ta cơ bản đánh chiếm và làm chủ trận địa, chỉ còn một số tên địch rút vào hầm ngầm cố thủ nhưng cũng bị bộ binh ta đánh sập, bắt gọn.

Hai trận Tà Mây và Làng Vây đã đi vào lịch sử – trận đầu đánh thắng của bộ đội xe tăng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh vào tuyến phòng thủ cứng rắn nhất của Mỹ-ngụy. Chiến thắng Tà Mây – Làng Vây mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, mở ra trang sử mới và truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Đúng như lời đồng chí Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp trong cuốn sách “Cơn lốc đầu mùa”: “Quân ta đã thắng! Tiểu đoàn xe tăng 198 đã thắng! Binh chủng Thiết giáp đã thắng! Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã thành công”!.. Cũng từ sau chiến thắng đó, bộ đội xe tăng nối tiếp nhau vào chiến trường Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Miền Đông và Nam Bộ. Những chiếc xe tăng ấy trở thành lực lượng đột kích mạnh dẫn dắt các lực lượng binh chủng hợp thành phá vỡ từng mảng thành lũy của địch cho đến thắng lợi cuối cùng ngày 30-4-1975.

Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH và CTV

Sự ra đời của bài “Giải phóng miền Nam”

Tháng Tư 4, 2011 Bình luận đã bị tắt

Tháng 3-1960, Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược, đó là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tập hợp toàn dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và huy động sự ủng hộ của thế giới.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mục tiêu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là động viên nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam, tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hoà bình, trung lập và dân chủ, từng bước sau này thực hiện thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, các nhạc sĩ: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh minh họa/tư liệu internet.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng kể: “Tôi được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Namcho biết là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác ca khúc này. Theo đồng chí Phạm Hùng, về nội dung cần thể hiện những điểm sau: “Bài hát có tính chất Quốc ca này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ; kêu gọi nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ; nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam…”.

Do các yêu cầu về bảo đảm bí mật nên cả ba nhạc sĩ cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý trước khi sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới, quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, các ông đã đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”. Muốn thực hiện được chiến lược này phải đoàn kết nhân dân Trung Nam Bắc lại để diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha cho ngụy quyền chứ không tiêu diệt, nên bài hát có câu:“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”.

Để minh hoạ cho đường lối đoàn kết dân tộc, tác giả đã nêu lên 2 địa danh tiêu biểu của hai miền là Cửu Long và Trường Sơn. Vì thế trong bài có câu: “Đây Cửu Long hùng tráng/Đây Trường Sơn vinh quang”. Và để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài hát có câu: “Vai sánh vai chung một bóng cờ”. Điệp khúc của bài hát là kết luận toàn bộ sách lược mới của Đảng và phản ánh sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng bằng câu: “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Cuối cùng, tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ba nhạc sĩ nhất trí đề tên tác giả Huỳnh Minh Liêng, tức là 3 chữ đầu của họ 3 người: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu (Liêng) Hữu Phước. Trong đó, chữ Lưu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết chữ L hơi tháu, nên khi người công nhân xếp chữ nhìn chữ L thành ra chữ S, do vậy tên tác giả từ Huỳnh Minh Liêng ra Huỳnh Minh Siêng. Sau khi phát hiện ra, có ý kiến nên sửa lại, nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại giải thích: Cứ để chữ Siêng cũng có ý nghĩa là siêng năng.

Sau khi sửa chữa 3 lần, bài hát được thông qua và phổ biến rộng rãi trên cả  nước và thế giới. Đặc biệt, bài hát trên của ba nhạc sĩ được dư luận nhiệt tình đón nhận.

Tư Liệu

Danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dự lễ thành lập (ngày 22-12-1944)

Tháng Tư 2, 2011 Bình luận đã bị tắt

Theo sách “60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (hỏi và đáp)” – Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia -2004: Danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dự lễ thành lập(ngày 22-12-1944). Đó là các đồng chí:

34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dự lễ thành lập (ngày 22-12-1944) :Ảnh internet.

1.Trần Văn Kỳ (bí danh Hoàng Sâm), dân tộc Kinh, quê Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình-Đội trưởng.
2.Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng-Chính trị viên.
3.Ngô Quốc Bình (bí danh Hoàng Văn Thái), dân tộc Kinh, quê An Khang, Tiền Hải, Thái Bình-tình báo và kế hoạch tác chiến.
4.Lâm Cẩm Như (bí danh Lâm Kính), dân tộc Kinh, quê Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng-Công tác chính trị.
5.Lộc Văn Lùng (bí danh Văn Tiên), dân tộc Tày, quê Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn-quản lý.
6.Hoàng Thịnh (bí danh Quyền), dân tộc Tày, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
7.Nguyễn Văn Càng (bí danh Thu Sơn) ,dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
8.Đàm Quốc Chủng (bí danh Quốc Chủng), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
9.Hoàng Văn Nình (bí danh Thái Sơn) dân tộc Nùng, quê Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
10.Hà Hương Long, dân tộc Tày, quê Nam Tuấn, Hòa An , Cao Bằng.
11.Đức Cường (tức Cơ), dân tộc Tày, quê Đề Thám, Hòa An, Cao Bằng.
12.Bế Văn Sắt (bí danh Hồng Quân Mậu), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
13.Đinh Trung Lương (bí danh Trung Lương), dân tộc Tày, quê Lê Lợi, Thạch An, Cao Bằng.
14.Tô Vũ Dâu (bí danh Thịnh Nguyên), dân tộc Tày, quê Vĩnh Quang, Hòa An, Cao Bằng.
15.Đồng chí Luận, dân tộc Kinh, quê Quảng Bình.
16.Bế Bằng (bí danh Kim Anh), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
17.Nông Phúc Thơ, dân tộc Nùng, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
18.Nông Văn Kiểm (bí danh Liên), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
19.Ma Văn Phiêu (bí danh Bắc Hợp(Đường)), dân tộc Tày, quê Nguyên Bình, Cao Bằng.
20.Chu Văn Đế (bí danh Nam) ,dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
21.Bế Văn Vạn (bí danh Vạn), dân tộc Tày, quê Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
22.Nông Văn Bê (bí danh Thâm), dân tộc Nùng, quê Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng.
23.Hồng Cô, dân tộc Mông, quê Lũng Giẻ, Nguyên Bình, Cao Bằng.
24.Nguyễn Văn Phán (bí danh Kế Hoạch), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
25.Đặng Dần Quý (bí danh Quí), dân tộc Dao, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
26.Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
27.Hoàng Văn Lương (bí danh Kinh Phát), dân tộc Nùng, quê Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
28.Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), dân tộc Tày, quê Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
29.Trương Đắc (bí danh Đồng),dân tộc Tày,quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
30.Dương Đại Long, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.
31.La Thanh, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.
32.Ngọc Trình, dân tộc Nùng, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
33.Nông Văn Ích, dân tộc Nùng, quê Hà Quảng, Cao Bằng.
34.Thế Hậu, dân tộc Nùng, quê Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

Theo: 60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng(hỏi và đáp)Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-2004

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập khi nào? Ở đâu?

Tháng Tư 2, 2011 Bình luận đã bị tắt

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập khi nào? Ở đâu? Biên chế tổ chức, chỉ huy và nhiệm vụ của Đội khi mới thành lập?

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944 tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, có 34 khẩu sung các loại, biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Đội trưởng: Hoàng Sâm

Chính trị viên: Xích Thắng

Quản lý: Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng).

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo,chỉ huy tuyên bố thành lập Đội” Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời.Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy,chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này… Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu…”(1)

(1) Những ngày kỉ niệm lớn trong nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972, tr 189-190.

Theo: 60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (hỏi và đáp) Nhà xuất bản Chính trị Quốcgia- 2004