Lưu trữ

Posts Tagged ‘Quân ngụy Sài Gòn’

Sự ra đời của bài “Giải phóng miền Nam”

Tháng Tư 4, 2011 Bình luận đã bị tắt

Tháng 3-1960, Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược, đó là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tập hợp toàn dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và huy động sự ủng hộ của thế giới.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mục tiêu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là động viên nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam, tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hoà bình, trung lập và dân chủ, từng bước sau này thực hiện thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, các nhạc sĩ: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh minh họa/tư liệu internet.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng kể: “Tôi được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Namcho biết là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác ca khúc này. Theo đồng chí Phạm Hùng, về nội dung cần thể hiện những điểm sau: “Bài hát có tính chất Quốc ca này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ; kêu gọi nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ; nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam…”.

Do các yêu cầu về bảo đảm bí mật nên cả ba nhạc sĩ cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý trước khi sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới, quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, các ông đã đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”. Muốn thực hiện được chiến lược này phải đoàn kết nhân dân Trung Nam Bắc lại để diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha cho ngụy quyền chứ không tiêu diệt, nên bài hát có câu:“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”.

Để minh hoạ cho đường lối đoàn kết dân tộc, tác giả đã nêu lên 2 địa danh tiêu biểu của hai miền là Cửu Long và Trường Sơn. Vì thế trong bài có câu: “Đây Cửu Long hùng tráng/Đây Trường Sơn vinh quang”. Và để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài hát có câu: “Vai sánh vai chung một bóng cờ”. Điệp khúc của bài hát là kết luận toàn bộ sách lược mới của Đảng và phản ánh sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng bằng câu: “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Cuối cùng, tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ba nhạc sĩ nhất trí đề tên tác giả Huỳnh Minh Liêng, tức là 3 chữ đầu của họ 3 người: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu (Liêng) Hữu Phước. Trong đó, chữ Lưu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết chữ L hơi tháu, nên khi người công nhân xếp chữ nhìn chữ L thành ra chữ S, do vậy tên tác giả từ Huỳnh Minh Liêng ra Huỳnh Minh Siêng. Sau khi phát hiện ra, có ý kiến nên sửa lại, nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại giải thích: Cứ để chữ Siêng cũng có ý nghĩa là siêng năng.

Sau khi sửa chữa 3 lần, bài hát được thông qua và phổ biến rộng rãi trên cả  nước và thế giới. Đặc biệt, bài hát trên của ba nhạc sĩ được dư luận nhiệt tình đón nhận.

Tư Liệu

Thượng Đức- cuộc đọ sức nảy lửa (phần 2)

Tháng Tư 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

Đường sông đường bộ cho chiến dịch

Ngày 15 tháng 6, toàn bộ lực lượng chuẩn bị tham gia đánh Thượng Đức đã đến vị trí tập kết. Sư đoàn 304 và các lực lượng tăng cường triển khai ngay nhiệm vụ làm đường cơ động. Hầu như cả sư đoàn đã đổ ra mặt đường, công binh làm ngầm, bộ binh rải ra làm đường. Trời nắng như đổ lửa, gió khô khốc. Để đảm bảo bí mật, bộ đội lặng lẽ mở đường, hạn chế bụi, hạn chế tiếng động lớn, nhưng vẫn phải bảo đảm làm nhanh. Sở chỉ huy trung đoàn 66 do trung đoàn phó Nguyễn Sơn Văn chỉ huy và trung đoàn 3 Sư đoàn 324 do trung đoàn phó Nguyễn Văn Rinh chỉ huy đặt ngay sát mặt đường vừa mở. Ngoài làm con đường mới từ Trao vào bến Hiên, các con đường từ Thành Mỹ đi cầu Hội Khánh, từ bến Hiên đi An Điềm, Trúc Hà cũng được sửa lại.

Tối đến, bên bờ sông Bung, pháo binh và công binh phối hợp luyện tập. Những chiếc thuyền được làm gấp bằng tôn và thép được công binh đưa xuống sông ghép hai ba thuyền lại tạo thành một chiếc phà nhỏ để vận chuyển pháo. Các chiến sĩ công binh cho pháo đi một đoạn sông rồi lại kéo pháo lên, khi gặp những đoạn có ghềnh đá. Cứ thế công binh và pháo binh hiệp đồng liên tục vận chuyển pháo lên và xuống an toàn.

Đường từ Trao đến bến Hiên làm xong thì pháo và thuyền cũng có mặt ở bờ sông Côn chờ lệnh cho pháo xuống thuyền xuôi về Thượng Đức. Ngoài việc ghép thuyền chở pháo, bộ đội còn đóng nhiều bè cây chuối, bè nửa để vận chuyển đạn, gạo vào chiến dịch. Cán bộ chỉ huy tỉnh đội Quảng Đà đã đưa hai máy kéo ĐT54 của Nông trường Quyết Thắng vào bến Hiên để sẵn sàng kéo pháo cao xạ 57 mm vào trận địa khi ta nổ súng đánh Thượng Đức.

Sau một thời gian lao động khẩn trương, từ trục đường chính, ta có 100 kilômét đường mới, toả ra xung quanh đưa lực lượng vào bao vây Thượng Đức.Những ngày chuẩn bị này, cán bộ, chiến sĩ công binh Sư đoàn 304 đã thức thâu đêm trinh sát đường sông, đường bộ, ghép phà, ghép bè hàng thả trôi sông, khắc phục hàng trăm ngầm cho xe chạy ra phía trước. Một bộ phận công binh của trung đoàn 3 Sư đoàn 324 còn tổ chức trận địa đóng cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn đường rút về Đà Nẵng bằng đường sông của địch.

Để đảm bảo đúng thời gian chuẩn bị chiến dịch, Quân đoàn 2 sử dụng tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 219 công binh, tăng cường cho Sư đoàn 304. Ngày 8 tháng 6 năm 1974, tiểu đoàn 1 lên đường. Suốt một tuần hành quân liên tục cả ngày đêm trên đoạn đường 200 kilômét.

Ngày 17 tháng 7, con đường đã cơ bản hoàn thành. Tính ra để làm con đường này, bộ đội ta phải bỏ ra hàng trăm nghìn ngày công, 25 tấn thuốc nổ, đào đắp 250.000 mét khối đất, đá, xây dựng hơn 300 cầu và ngầm.

Sau hơn một tháng vật lộn vô cùng gian khổ với con đường, đêm 17 tháng 6, các xe, pháo của ta đã bí mật kéo vào tập trung ở bến Hiên. Một số khẩu pháo nặng được các chiến sĩ ưu tiên đưa xuống thuyền, bè và mảng xuôi về Thượng Đức.

Kéo pháo lên núi đã khó, đưa pháo xuống thuyền và từ thuyền lên bờ còn gay go hơn, nhất là khi phải giữ bí mật,không được phát ra tiếng động, không được có ánh lửa. Nhưng bộ đội ta cùng với một đại đội nữ du kích và hàng trăm dân công của huyện đã khắc phục mọi khó khăn trở ngại, trong hai đêm đã kéo được hai khẩu pháo 85, một khẩu cối 160 vào chiếm lĩnh trận địa (cách địch không đầy hai kilômét).

Đêm 28 tháng 7 năm 1974, toàn bộ đội hình các đơn vị thamchiến đã vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 quyết định sử dụng lựclượng như sau:

– Trung đoàn 66 bộ binh đảm nhiệm đánh trận then chốt, tiến công tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức. Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm trên hướng chủ yếu từ hướng Đông đành thẳng vào khu vực tiểu đoàn 79 biệt động. Tiểu đoàn 9 (hướng thứ yếu), hai đại đội từ tây bắc đánh vào khu bảo an và quận lỵ. một đại đội chặn địch ở cầu Hà Tân, không cho địch rút chạy. Tiểu đoàn 8 là lực lượng dự bị.

– Trung đoàn 3 bộ binh (Sư đoàn 324) tiến công tiêu diệt địch ở đồn Ba Khe và bao vây địch ở điểm cao 52 sử dụng đại đội 17 của trung đoàn, tổ chức cắm cọc và gài mìn, làm vật cản trên sông Vu Gia ở đoạn cuối thôn 15, lực lượng còn lại sẵn sàng đánh địch rút chạy về Đà Nẵng và từ Đà Nẵng lên ứng cứu.- Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương đảm nhiệm diệt địch đóng ở các thôn 12, 13, 14, 15 và một số đồn xung quanh Thượng Đức.

Ác liệt từ trận then chốt

Sau khi Sư đoàn 2 tiến công tiêu diệt Nông Sơn- Trung Phước, đúng 5 giờ ngày 29 tháng 7, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu “Bão táp” được truyền đi các hướng.Pháo binh ta lập tức dồn dập nã đạn vào Thượng Đức. Nga ytừ loạt đạn đầu, tên quận trưởng bị thương nặng. Cả cứ điểm chìm trong khói lửa của hoả lực ta. Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 nổ súng chậm hơn 15 phút so với toàn mặt trận vì sương mù không rõ mục tiêu. Hoả lực trung đoàn dội xuống Ba Khe, HàSống. Đúng 6 giờ, đại đội trưởng đại đội 6 Nguyễn Phúc dẫn đại đội đánh thẳng vào Ba Khe, sau 30 phút, làm chủ được căn cứ, diệt hàng trăm tên, bắt 8 tên. Tiền đồn phía đông Thượng Đức đã bị ta chiếm. Tiểu đoàn 8 trung đoàn 3 do tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng chỉ huy nhanh chóng bao vây Hà Sống, chốt đường bộ và đường sông, ngăn chặn bọn địch từ Thượng Đức về và từ Hà Sống lên chi viện. Các đơn vị khác cũng làm chủ nhiều thôn xóm. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương làm chủ các mục tiêu được phân công, tạo thành thế trận bao vây chia cắt địch ngay từ đầu. Cờ Giải phóng tung bay trên các thôn xóm quanh Thượng Đức.

Cuộc chiến đấu lúc đầu tưởng như rất thuận lợi, nhưng tại khu vực mục tiêu chính khi pháo ta chuyển làn, trung đoàn 66 vẫn không tổ chức xung phong được, vì cả hai hướng đều chưa tạo được cửa mở vào cứ điểm. Bộ phá rào ở hướng tiểu đoàn 7 chỉ mở được hai phần ba hàng rào, một bộ khác ở hướng thứ hai bị hỏng máy điểm hoả không sử dụng được. Các đồng chí Nguyễn Quý và Trần Kiên Quyết, cán bộ chỉ huy trung đoàn 66 quyết tâm chuyển sang đánh bộc phá liên tục để mở cửa, nhưng do không chuẩn bị trước, nên chưa thể tiến hành mở cửa tiếp. Mặt khác, do chủ quan, coi thường địch, đơn vị đã không tổ chức đào công sự ở khu vực cửa mở, nên thương vong nhiều. Về phía địch, do vị trí quan trọng của Thượng Đức nên chúng cố sức “tử thủ”.

Ngay từ khi nhận được tin ta có thể đánh Thượng Đức, tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân khu I của địch đã gọi Nguyễn Quốc Hùng – quận trưởng Thượng Đức về Đà Nẵng bàn việc phòng thủ. Trưởng ra lệnh điều pháo từ Đà Nẵng lên và cấm trại một thiết đoàn xe tăng cùng hai tiểu đoàn bộ binh để sẵn sàng tiếp viện ứng cứu Thượng Đức khi bị ta tiến công. Trong các ngày 29 và 30 tháng 7, bọn chỉ huy Quân khu 1 địch cho máy bay ở Đà Nẵng liên tục xuất kích chi viện cho quân đồn trú của chúng ở Thượng Đức. Bọn địch trong căn cứ dựa vào hầm ngầm, công sự và hệ thống hoả lực dày đặc vừa ngoan cố đánh cản các đợt xung phong của bộ binh ta, vừa ráo riết tổ chức lực lượng phản kích chiếm lại các vị trí đã mất. Cuộc chiến đấu trở nên gay go, quyết liệt.

Ngày 31 tháng 7, ngày thứ 3, tiểu đoàn 8 nhận nhiệm vụ thay tiểu đoàn 7 tiếp tục tiến công. Nhưng do chỉ huy thiếu tỉ mỉ, cụ thể, tổ chức hiệp đồng chủng chặt, tiểu đoàn 8 tổ chức xung phong ba lần vẫn không thành công. Bộ đội bị thương vong; phải đưa về phía sau.

17 giờ ngày 31, trước sự phức tạp của trận đánh then chốt, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho trung đoàn 66 tạm ngừng tiến công, chuyển sang giữ vững địa bàn đã chiếm được, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Sư đoàn 304 quyết định chủ trương tiếp tục sử dụng trung đoàn 66 đánh địch trên hướng chủ yếu, tổ chức rút kinh nghiệm, củng cố về tư tưởng, tổ chức và cách đánh tiến công tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức. Hội nghị đã kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm lãnh đạo và chỉ huy của bí thư đảng ủy sư đoàn, chính ủy và sư đoàn trưởng trong lãnh đạo, tổ chức chỉ huy bộ đội, chưa triệt để, giải quyết tư tưởng chủ quan khinh địch, nên đánh trận đầu không thành.

Sau hội nghị, đồng chỉ Nguyễn Chánh – Phó tư lệnh Quân khu 5, đồng chí Hoàng Đan – Phó tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Trần Bình – Chính ủy Sư đoàn 304, xuống trực tiếp nắm tình hình trung đoàn 66. Tuy đánh chưa thắng địch và thương vong nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66 vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu và mong sớm được giao nhiệm vụ đánh tiếp. Cuộc gặp gỡ, động viên của cấp trên đã củng cố thêm quyết tâm cho toàn đơn vị, nên gần một tuần, bộ đội ta vẫn bám trụ trận địa, củng cố công sự tạo thế xen kẽ, vây ép địch.

Từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiếp tục làm nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở Hà Sống, Hà Tân, tạo thành thế bao vây Thượng Đức. Cho nên mặc dù trung đoàn 66 không đánh dứt điểm được Thượng Đức, ta vẫn có điều kiện chốt giữ, đánh địch cứu viện, tạo điều kiện cho trung đoàn 66 tổ chức lại lực lượng, rút kinh nghiệm và thực hành tiến công dứt điểm Thượng Đức trong giai đoạn sau.

Còn nữa
TRẦN DANH (lược thuật)

Thượng Đức – cuộc đọ sức nảy lửa ( phần 1)

Tháng Tư 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

“Mắt ngọc”, “cánh cửa thép bất khả xâm phạm” ???

Năm 1973-1974, ngay sau khi quân Mỹ buộc phải thực thi hiệp đinh Pa-ri, quân Ngụy Sài Gòn với lực lượng đông và binh khí hùng hậu của Mỹ trao lại đã tăng cường giữ Quân khu I. Mặt trận Trị Thiên có nhiều sư đoàn trấn giữ. Trong đó có sư đoàn dù và sư đoàn TQLC, là lực lương cơ động chiến lược, (trù bị chiến lược) của Nguỵ. Trong lúc địch đang lo sợ chống trả Quân giải phóng (QGP) ở nam giới tuyến, BTLQK5 thực hiện ý định chiến lược tiến đánh Quận lỵ Thượng Đức,( trong một chiến dich liên hoàn Nông Sơn-Thượng Đức. Thượng Đức ở phía tây Quảng Đà, cách thành phố Đà Nẵng 40 kilômét theo đường chim bay, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng – một trong những căn cứ lớn của địch ở miền Nam. Thượng Đức nằm trong thung lũng sông Vu Gia, như hai nhánh cây xoè ra, cắm sâu vào lòng dãy Trường Sơn, mà gốc cây là vùng B Đại Lộc. Thượng Đức nằm trên một địa bàn rất hiểm yếu, ba bề là núi cao có nhiều dốc đứng, phía đông bằng phẳng là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia nước sâu và chảy xiết. Ơ đây chỉ có đường số 14 qua Ái Nghĩa về Đà Nẵng.

Trong các năm 1968, 1969 và 1970, ta đã nhiều lần đánh Thượng Đức, nhưng không thành công. Mỗi lần bị đánh, địch lại tăng cường hệ thống phòng ngự kiên cố hơn. Chúng còn xây dựng hệ thống hầm ngầm hoàn chỉnh và các hoả điểm bí mật. Chúng mệnh danh Thượng Đức là “mắt ngọc”, là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”. Chúng huênh hoang tuyên bố. “nước sông Vu Gia có chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”

Theo các nhà bình luận quân sự, (QGP) từ đường 14 Trường Sơn về đánh Thượng Đức áp sát Đà Nẵng là lối đánh “ theo chiều ngang đất nước”, khiến cho Quân khu I đã lúng túng ở Trị Thiên, nay lại bất ngờ be bờ, chống đỡ ở Tây Nam Đà Nẵng.

Sau chiến thắng Thượng Đức “Bộ Tổng Tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Do đó ta có thể cần phải chuyển từ đánh nhằm tiêu diệt địch là chính, sang đánh chẳng những tiêu diệt địch mà còn nhằm giải phóng nhân dân và giữ đất từ chỗ quân chủ lực ta lấy tiêu diệt quân chủ lực địch trên chiến trường rừng núi là chủ yếu sang tiêu diệt và giải phóng nhân dân, giải phóng đất ở cả vùng giáp ranh, đồng bằng và thành phố”. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí với nhận định này. Nhận định trên là hết sức quan trọng. sau chiến thắng ThượngĐứcmở ra một bước ngoặt mới trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta; nó chứng tỏ quân chủ lực địch không thể đương đầu nổi với quân chủ lực của ta… Khả năng đánh thắng toàn bộ quân đội Sài Gòn đang trở thành hiện thực trước mắt.

Ngày 6 tháng 6 năm 1974, Tư lệnh Quân khu 5 đến giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trì là giải phóng và đảm bảo đời sống cho hơn một vạn dân. Kinh nghiệm ở Khu 5 chứng minh rằng có thắng về chính trị, giải phóng được nhân dân, đập tan chính quyền cơ sở và bọn tề điệp ác ôn của địch thì thắng lợi mới giữ vững, và khi chủ lực địch ra cũng không líp lại được”.

Thượng Đức chia làm ba khu vực; phía Bắc là chi khu quận lỵ, trước chi khu quận lỵ là sân bay trực thăng. Phía Tây Bắc là khu trận địa pháo và ban chỉ huy tiểu đoàn 79 biệt độngquân biên phòng. Phía Nam là khu bảo an, quận lỵ và cảnh sát. Để bảo vệ vòng ngoài địch thiết lập ba tiền đồn A,B,C. Bố trí cụ thể: quận lỵ gồm sở chỉ huy hành chính, một trung đội cảnh sát, một trung đội thám báo, hai trung đội dân vệ và một toán biệt động. Chi khu gồm ban chỉ huy tiểu đoàn 79 và một đại đội biệt động quân biên phòng. Tiền đồn A, B địch đều bố trí một trung đội bảo an. Riêng tiền đồn C có hai trung đội dân vệ. Ơ đầu cầu Hà Tân có một đại đội biệt động quân biên phòng, khu vực Lộc Vinh có một đại đội bảo an. Ở gò Mồ Côi và xóm Mới, địch bố trí mỗi nơi một trung đội. Dân vệ ở ấp Lộc Bình và đồi ông May, mỗi nơi cũng có một trung đội. Đội hình dịch bố trí thành cụm cứ điểm, trên cơ sở từng cứ điểm thành thế liên hoàn.

Để đánh trận Thượng Đức, Sư đoàn 304 phải thực hiện một khối lượng công việc rất to lớn, phải tổ chức và thiết bị chiến trường để có thể đánh hiệp đồng binh chủng, đánh liên tục dài ngày cả mùa khô và mùa mưa. Phải làm mới và sửa chừa 124 kilômét đường ô tô,trong đó có hơn 300 cầu và ngầm từ trục đường Đông Trường Sơn trở về Thượng Đức. Phải cơ động lực lượng từ Quảng Trì và Bắc Khu 5 chặng đường dài xấp xỉ 400 kilômét. Phải vận chuyển hàng nghìn tấn đạn, gạo và các phương tiện vật chất kỹ thuật khác để có thể vừa đánh thắng ở Thượng Đức vừa sẵn sàng đánh bại quân địch ra phản kích chiếm lại. Ngoài ra sư đoàn làm nhà ở tạm, đào hầm và chuẩn bị lương thực, thuốc men để sơ tán hơn 10.000 dân khi ta đánh và giữ Thượng Đức.

Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho tỉnh Quảng Đà phối hợp chiến đấu với Sư đoàn 304. Đồng chí Sáu Nam – Phó chủ tịch tỉnh cùng đồng chí Nguyễn Bá Phước – Tỉnh đội phó tổ chức sở chỉ huy bên cạnh Sư đoàn 304. Về phía Sư đoàn 304 các đơn vị tham gia giải phóng Thượng Đức đều đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu kể cả đánh trong công sự và ngoài công sự, cả đánh độc lập và đánh hiệp đồng binh chủng; đã được huấn luyện thành thạo kỹ chiến thuật, tinh thần bộ đội tốt, muốn chiến đấu để lập công. Nhưng Sư đoàn cũng có khó khăn vì chiến trường mới, địa hình chưa quen thuộc và phải đánh địch ở mộtcăn cứ được tổ chức từ lâu, rất kiên cố, công tác chuẩn bị chiến trường khá phức tạp, mà thời gian chuẩn bị lại quá gấp.

Khó khăn lớn nhất lúc này là phải tổ chức làm đường cho nhanh, để kịp triển khai lực lượng chiến đấu. Đồng chí Phan Nuôi-trưởng ban công binh Sư đoàn 304 đi trinh sát về báo cáo có hai hướng có thể mở đường. Hướng thứ nhất mở theo con đường từ Thành Mỹ đi cầu Hội Khánh, sau đó sẽ vượt sông vào áp sát Thượng Đức. Nếu mở theo hướng đó, ta sẽ tận dụng được con đường cũ. Nhưng do địch đã bỏ hàng chục năm nay không dùng tới, nên cây cối mọc giữa lòng đường, cả ta và địch lại cài rất nhiều mìn thành nhiều lớp chồng chất lên nhau.Trong khi đi nghiên cứu đường, tổ trinh sát công binh đã vấp phải mìn, Đại đội trưởng Phúc và năm chiến sĩ hy sinh. Mặt khác con đường này nếu cơ động xe, pháo qua bến vượt rất dễ bị lộ. Hướng thứ hai là từ Trao mở một con đường mới vào bến Hiên. Nếu mở con đường này, ta phải làm mới 415 kilômét, còn 21 kilômét nửa thì dựa vào con đường địch làm dở đã bỏ từ lâu.Việc đảm bảo bí mật khi cơ động lực lượng tốt hơn, nhưng đoạn từ Hiên vào Thượng Đức (16 kilômét), địch thường đưa thám báo ra phục kích, ta chưa thể sửa ngay được. Ta sẽ phải dùng thuyền và bè, mảng chở pháo, đạn xuôi theo sông Côn, rồi dùng sức người kéo lên chiếm lĩnh trận địa.

Chỉ huy Sư đoàn 304 quyết định sửdụng phương án thứ hai và hạ quyết tâm đến ngày 20 tháng 7 phải làm xong đường để kịp đưa lực lượng cơ bản vào đánh Thượng Đức. Khi nổ súng sẽ khẩn trương mở tiếp đoạn đường từ Hiên vào Thượng Đức để các đơn vị binh khí kỹ thuật còn lại (pháo cao xạ) theo đường số 14 vào chiếm lĩnh trận địa.

(Còn nữa)
TRẦN DANH (lược thuật)

Sư đoàn 320 với Tổng tiến công Mùa Xuân 1975 (phần 3)

Tháng Tư 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

Thừa thắng đánh thốc về duyên hải

Cuối tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 320 nhận nhiệm vụ tiếp tục phát triển chiến đấu, tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên. Khu vực tác chiến là một vùng rộng lớn bao gồm thị xã Tuy Hòa và hầu hết các huyện ven biển thuộc tỉnh Phú Yên. Sư đoàn có một tuần lễ để vừa chuẩn bị, vừa thực hành chiến đấu.

Đường số 7 từ Củng Sơn tới Tuy Hòa dày đặc mìn các loại. Nhờ nỗ lực phi thường, tinh thần hi sinh quên mình vì nhiệm vụ của các chiến sĩ tiểu đoàn 17 công binh, con đường vào chiếm lĩnh trận địa đã được khai thông trước thời gian quy định. Cũng trong thời gian ấy, Bộ tư lệnh sư đoàn đã nắm được toàn bộ tình hình địch, địa hình, hoàn thành kế hoạch hiệp đồng và quyết tâm chiến đấu. Đến 4 giờ sáng ngày 01 tháng 4, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, tất cả các phân đội đều vào vị trí, sẵn sàng nổ súng.

5 giờ 30 phút, tất cả các cỡ pháo của Sư đoàn đồng loạt nhả đạn vào các cứ điểm: Chóp Chài, Nhạn Tháp, sân bay Đông Tác, quận lỵ Hiếu Xương.

Trung đoàn 9 đảm nhiệm đột phá trên hướng chủ yếu; bộ binh cùng xe tăng nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thị xã, căn cứ pháo binh Nhạn Tháp và Dinh tỉnh trưởng ngụy Phú Yên.

Trung đoàn 48 tác chiến ở phía Bắc, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chiếm căn cứ Chóp Chài rồi phát triển thành hai mũi vào thị xã, tiến thẳng ra hướng sân bay Đông Tác. Ở hướng nam, trung đoàn 64 khóa chặt Đèo Cả không cho địch tháo chạy vào phía trong, đồng thời đánh chiếm quận lỵ Hiếu Xương rồi thọc một mũi ra thị xã, đánh vào sân bay phối hợp với trung đoàn 48.

Trên bờ biển Tuy Hòa, tàn quân địch tràn qua rất đông. Chúng cướp tàu, thuyền đánh cá của nhân dân, định tháo thân; bị ta đuổi theo tiêu diệt và bắt sống toàn bộ.Tầu chiến địch lao vào cửa sông, dùng pháo bắn vào thị xã và sân bay nhưng bị xe tăng ta bắn chìm một tầu địch, số còn lại vội vã tháo chạy. Cùng đường, tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phó tư lệnh quân đoàn 2 ngụy cùng tùy tùng giả chết, tên đại tá ngụy Vi Văn Bình cải trang chạy trốn nhưng đều bị chiến sĩ ta bắt sống.

9 giờ sáng ngày 01 tháng 4, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa, và các quận lỵ Hiếu Xương, Tuy Hòa. Các chiến sĩ trung đoàn 48 tiếp tục hành tiến bằng cơ giới lên phía bắc, giải phóng nốt các quận lỵ Sông Cầu, Tuy An.

Chỉ trong ngày 01 tháng 4, sư đoàn đã chiến đấu quyết liệt, phối hợp với chính quyền và các lực lượng vũ trang địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên; xóa sổ 12 tiểu đoàn địch, diệt và bắt gần 3000 tên, có một chuẩn tướng, một đại tá và hơn hai trăm sĩ quan khác.

Các chiến sĩ Đồng Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Sư đoàn vinh dự được Quốc hội và Chính phủ trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, tình hình toàn chiến trường phát triển hết sức thuận lợi. Thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Chiến dịch cuối cùng

18 giờ ngày 10 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn xuất phát làm nhiệm vụ mới. Lần này, Sư đoàn hành quân bằng cơ giới, trong đội hình Quân đoàn 3 vừa được thành lập. Tại vị trí tập kết (Bàu Bàng, Tây Ninh) các chiến sĩ Đồng Bằng được biết một tin quan trọng: chiến dịch họ đang tham gia được mang tên vị cha già của dân tộc: Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn chính thức nhận nhiệm vụ: được tăng cường trung đoàn 593, tập trung lực lượng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, mở cửa, đánh chiếm đầu cầu của quân đoàn; đánh chiếm khu vực Cầu Bông, Cầu Sáng, bảo đảm đường cơ động cho mũi đột kích cơ động mạnh của quân đoàn tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Sau đó, làm đội dự bị của quân đoàn phát triển tiến công vào nội thành Sài Gòn.

Mọi công tác chuẩn bị lập tức được triển khai. Ngày 16 tháng 4, đoàn cán bộ trinh sát của sư đoàn lên đường nghiên cứu tình hình, chuẩn bị phương án tác chiến.

Nằm trên trục quốc lộ số 1 Sài gòn đi Tây Ninh, Đồng Dù là căn cứ phòng ngự trọng yếu, là cánh cửa án ngữ phía tây Sài Gòn. Từ đây có các trục giao thông nối với Bình Dương và Hậu Nghĩa. Đồng Dù được xây dựng thành một căn cứ xuất phát hành quân hỗn hợp quy mô lớn; vốn là căn cứ của sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”. Đến thời điểm này, Đồng Dù là hang ổ của sư đoàn 25 ngụy, một trong những sư đoàn chủ lực mạnh của quân lực Sài Gòn. Để bảo đảm an toàn cho Đồng Dù, Mỹ – ngụy đã đánh phá, hủy diệt vùng Củ Chi, biến vùng này thành một vùng trắng. Hệ thống phòng ngự khu vực Củ Chi và căn cứ Đồng Dù là hệ thống phòng thủ chặt chẽ, chu đáo, có hỏa lực mạnh, lực lượng đông, có các căn cứ phụ cận sẵn sàng chi viện và đường cơ động hết sức thuận lợi. Căn cứ Đồng Dù được bảo vệ bằng hệ thống hàng rào, tường đất, bãi mìn kiên cố, dầy đặc và hệ thống phòng thủ nội vi với hàng ngàn mét hào, hàng trăm lô cốt, ụ súng. Bên trong căn cứ là một hệ thống hoàn hảo với đường cơ động, sân bay hạng vừa, thông tin viễn thông hiện đại. Lực lượng địch thường xuyên có một đến hai trung đoàn bộ binh, trung tâm huấn luyện tân binh và hạ sĩ quan, các tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn.

Ngày 22 tháng 4, phương án tiến công căn cứ Đồng Dù và khu vực phụ cận được Bộ tư lệnh Quân đoàn phê chuẩn. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô toàn sư đoàn, tiến công địch trong một căn cứ kiên cố, vững chắc, có diện tích rộng tới tám ki lô mét vuông. Đêm 23 tháng 4, sư đoàn được lệnh vượt sông Sài Gòn, hành quân xuống nam Bến Súc. Đến ngày 25 tháng 4, toàn bộ đội hình sư đoàn đã qua sông Sài Gòn, vào vị trí tập kết an toàn.

Sư đoàn dự kiến hai tình huống đánh địch và sử dụng lực lượng như sau:

– Trường hợp địch chưa tăng cường lực lượng về Đồng Dù, Sư đoàn sử dụng trung đoàn 48 tăng cường một đại đội xe tăng cùng pháo binh sư đoàn và pháo cấp trên tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù. Đột phá trên hai hướng: hướng chủ yếu từ tây-bắc, hướng thứ yếu từ tây-nam đánh vào. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 48, đơn vị có truyền thống mở cửa, được giao nhiệm vụ đột phá hướng chủ yếu. Trung đoàn 9 và đại đội xe tăng làm dự bị đánh phát triển và đánh quân địch vòng ngoài. Trung đoàn 64 đánh chiếm khu vực Cầu Bông, Cầu Sáng và phát triển lên quận lỵ Hóc Môn theo nhiệm vụ quân đoàn giao ở giai đoạn 1 của chiến dịch.

– Trường hợp địch tăng cường lực lượng về Đồng Dù và khu vực xung quanh, sư đoàn dùng cả hai trung đoàn bộ binh cùng với trung đoàn 54 pháo binh và các đơn vị tăng cường tập trung tiêu diệt bằng được căn cứ Đồng Dù, mở đường cho sư đoàn bạn đánh vào Tân Sơn Nhất, sau đó sẽ phát triển theo kế hoạch.

Ngày 27 tháng 4, sư đoàn được tin địch tăng quân cho Đồng Dù. Sư đoàn quyết định đánh địch theo phương án hai: địch có tăng cường phòng thủ. 17 giờ ngày 28 tháng 4, các đơn vị tham gia chiến đấu được lệnh chuẩn bị hành quân vào chiếm lĩnh. Theo hiệp đồng, 10 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, sư đoàn 320 phải cơ bản làm chủ căn cứ Đồng Dù, mở cửa cho đơn vị bạn vào tiến công Tân Sơn Nhất.

5 giờ 30 phút, ngày 29 tháng 4 năm 1975, sư đoàn trưởng ra lệnh đồng loạt tiến công. Mọi cỡ pháo của sư đoàn đồng loạt nhả đạn. Trên hướng chủ yếu, tiểu đoàn 1 làm nhiệm vụ mở cửa mở bằng phá nổ đồng loạt kết hợp bộc phá liên tục. Trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Mấy lần ta khai thông cửa mở; mấy lần địch dùng hỏa lực, xe tăng bịt lại. Nhiều chiến sĩ ta đã hi sinh. 8 giờ sáng, sau đợt xung phong thứ năm, một bộ phận của đại đội 3 lọt được vào bên trong, nhưng địch lại tràn ra, tiếp tục bịt chặt cửa mở. Trên hướng thứ yếu, tiểu đoàn 3, trung đoàn 48 vẫn chưa vào được trong căn cứ.

9 giờ, địch vẫn kháng cự quyết liệt, đồng thời điều thêm lực lượng về cứu nguy cho Đồng Dù. Sư đoàn ra lệnh: tập trung, đưa thêm lực lượng vào hướng chủ yếu để thọc sâu vào sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy; đưa đội dự bị của sư đoàn cùng xe tăng phát triển theo hướng tiểu đoàn 1, đánh bung ra, chiếm các mục tiêu bên trong, hỗ trợ cho lực lượng thọc sâu và hướng thứ yếu phát triển vào.

Vừa đánh, vừa củng cố, vừa xác định mục tiêu, mặc dù đã bị thương vong nhiều nhưng tiểu đoàn 1 tiếp tục tập trung lực lượng thọc sâu.

Đúng 10 giờ 30 phút, đại đội 1, tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy. Tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá, sư đoàn trưởng ngụy và bộ tham mưu của hắn bỏ chạy; các tuyến đề kháng của địch cơ bản đã bị đập tan. Quân ta từ các hướng tràn vào căn cứ tiếp tục truy quét địch. Sư đoàn 320 đã hoàn thành nhiệm vụ mở cánh cửa phía tây đúng thời gian quy định; tạo điều kiện cho các chiến sĩ Sư đoàn 10 cùng xe tăng, pháo binh tiến thẳng về Sài Gòn.

Trong khi sư đoàn thực hiện tiến công căn cứ Đồng Dù thì trung đoàn 64, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 và Bộ tư lệnh Sư đoàn 10, đã nhanh chóng đánh chiếm khu vực Cầu Bông, Cầu Sáng rồi phát triển lên quận lỵ Hóc Môn, thiết lập khu vực đầu cầu cho mũi thọc sâu chiến dịch của quân đoàn.

23 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, trung đoàn 64 được lệnh tiếp tục phát triển, tiến thẳng vào Sài Gòn cùng sư đoàn bạn. Bao nhiêu năm, những người lính Đồng Bằng mong chờ mệnh lệnh ấy. Như được tiếp thêm sức mạnh, trung đoàn lập tức lên đường.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng.

Các chiến sĩ trung đoàn 64 đã hoàn thành nhiệm vụ, thay mặt cho sư đoàn cùng các cánh quân tiến vào nội đô giải phóng Sài Gòn, đập tan ngụy quyền trung ương. Lá cờ truyền thống của Sư đoàn 320 đã được giương cao trên cổng phía tây-nam dinh Độc lập, nơi được ghi một trong những mục tiêu mà trung đoàn 64 phải tiến đến.

Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy, mỗi chiến sĩ trong đội ngũ của Sư đoàn đều tưởng nhớ tới những người đã khuất, nhất là những người mới hôm qua, vừa mới trước đó vài giờ đã anh dũng hi sinh vì thắng lợi huy hoàng này. Cũng trong giờ phút này, người chiến sĩ Đồng Bằng hiểu rằng trách nhiệm của mình vẫn còn hết sức nặng nề.

Ngày 13 tháng 9 năm 1975, Chính phủ, Quốc hội trao tặng Sư đoàn 320 và Trung đoàn 48 danh hiệu Đơn vị anh hùng. Vinh dự, tự hào, sư đoàn càng siết chặt đội ngũ, sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới trong một kỷ nguyên mới.

NGUYỄN ĐỨC (lược thuật)